Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018

Tìm giải pháp gỡ vướng cho dự án đầu tư công trọng điểm

Ðến hết tháng 8-2018, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công dành cho xây dựng cơ bản, đặc biệt là các công trình trọng điểm trong tỉnh vẫn chậm. Bên cạnh đó, nhiều dự án phải lùi thời hạn khởi công hoặc hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng.​

Thực trạng này đòi hỏi sự quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến các huyện về bố trí nguồn vốn đầu tư công trong các tháng còn lại của năm nay. Ðó là nhận định và kiến nghị đáng chú ý của Ban Kinh tế - ngân sách, HÐND tỉnh sau đợt giám sát kết quả đầu tư công tại các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh diễn ra trong tuần qua.

Giải ngân vốn đạt thấp

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ÐT), năm 2018, vốn đầu tư công do cấp tỉnh quản lý được giao kế hoạch là 3.527 tỷ đồng. Vốn cho các dự án cấp huyện quản lý là 3.005 tỷ đồng. Ðến hết tháng 8, tình hình giải ngân các nguồn vốn này vẫn đạt thấp. Cụ thể, nguồn vốn đầu tư do cấp tỉnh quản lý mới chỉ giải ngân hơn 1.700 tỷ đồng, tương đương 47% kế hoạch năm. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước do cấp huyện quản lý có khá hơn, đạt 64% kế hoạch, tương đương hơn 1.900 tỷ đồng.

Ở cấp tỉnh, Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh là đơn vị đảm nhận nhiều dự án lớn từ vốn đầu tư công. Năm 2018, đơn vị này được giao 1.890 tỷ đồng trong tổng số 3.527 tỷ đồng từ ngân sách cấp tỉnh. Hiện Ban đang triển khai thực hiện 86 dự án trên các lĩnh vực: giao thông, hạ tầng công cộng, văn hóa xã hội, giáo dục và y tế… Theo thống kê, đến hết tháng 8, Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã hoàn thành được 11 dự án, chủ yếu là các công trình thuộc về hạ tầng giao thông. 14 dự án khác đã được khởi công trên các địa phương của tỉnh. Lũy kế đến nay, giá trị giải ngân nguồn vốn tại các dự án thuộc trách nhiệm của Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh đạt hơn 804 tỷ đồng (bằng 42% nguồn vốn được giao).

Ở cấp huyện, Ðịnh Quán có tiến độ giải ngân mới chỉ đạt 13% trong tổng số 142 tỷ đồng ngân sách tỉnh giao huyện làm chủ đầu tư. Nguồn ngân sách cấp huyện cũng mới giải ngân được hơn 53% trong số 316 tỷ đồng. Ở huyện Tân Phú, giải ngân được 45,6% nguồn vốn cấp tỉnh (90/198 tỷ đồng) và 56% nguồn vốn cấp huyện (186/332 tỷ đồng).

Nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp là do hầu hết các dự án cơ sở hạ tầng vẫn vướng công tác giải phóng mặt bằng. Thiếu mặt bằng do chậm giải tỏa nên kéo theo tiến độ thực hiện các công trình cũng chậm so kế hoạch đề ra.

Phó Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Ðỗ Quang Ðiểm cho hay, có tới 16 dự án hạ tầng tại các huyện: Long Thành, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom và TP. Biên Hòa do đơn vị làm chủ đầu tư đang vướng mặt bằng. Tại các dự án này, một số người dân khiếu nại, thắc mắc về giá bồi thường. Bên cạnh đó, tình trạng nhiều hộ dân mua bán, sang tay đất liên tục nên khó khăn trong công tác xác nhận nguồn gốc đất, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết. “Tuyến đường kết nối vào cảng Phước An hiện vướng 7 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù. Trung tâm Phát triển quỹ đất chi nhánh huyện Nhơn Trạch đã vận động lần 2 nhưng người dân vẫn chưa đồng ý. Sắp tới, nếu vận động không hiệu quả, chúng tôi sẽ kiến nghị lập phương án cưỡng chế”, ông Ðiểm nêu ví dụ điển hình về việc vướng mặt bằng tại các dự án trọng điểm kéo theo công tác thi công và giải ngân nguồn vốn chậm trễ.

Quyết liệt hơn với các nhà thầu thi công

Bên cạnh nguyên nhân khách quan về vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, Phó giám đốc Sở KH-ÐT Trần Vũ Hoài Hạ cho rằng, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công có nguyên nhân từ các đơn vị được giao làm chủ đầu tư. Cụ thể, một số dự án đã khởi công nhưng chủ đầu tư chậm thực hiện việc lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Ðặc biệt, ở không ít dự án đã triển khai nhưng chủ đầu tư vẫn không quyết liệt yêu cầu các nhà thầu thi công đảm bảo đúng tiến độ ban đầu, thiếu giám sát khối lượng thi công để đẩy nhanh việc giải ngân vốn... “Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh và các huyện cần siết chặt hơn nữa trong công tác quản lý nhà thầu. Việc lập tiến độ thực hiện công trình cần được làm thường xuyên, trên cơ sở đó đốc thúc giải ngân nguồn vốn kịp thời phục vụ dự án”, ông Hạ đề nghị.

Cùng nhận định trên, Phó ban Kinh tế - ngân sách HÐND tỉnh Trần Ðình Chính đề xuất, chủ đầu tư những dự án công cần tập trung làm hồ sơ giải ngân kịp thời và thực hiện đồng bộ việc thanh, quyết toán công trình. Ðồng thời, tăng cường công tác kiểm tra trong đấu thầu, giám định chất lượng công trình, giám sát đầu tư cộng đồng để góp phần chống thất thoát lãng phí trong đầu tư từ ngân sách.

“Chậm giải ngân vốn đầu tư công ở một số dự án trong khi các dự án khác lại thiếu vốn để triển khai là sự lãng phí cần sớm khắc phục”, Phó chủ tịch HÐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn nhận xét và cho rằng với tình trạng “tiền chờ công trình” như hiện nay thì hiệu quả sử dụng vốn sẽ không cao. “Việc rà soát tiến độ các dự án là nhằm tính toán phương án lấy vốn từ những dự án khó có khả năng thực hiện để bố trí cho các dự án đã triển khai khối lượng công việc lớn nhưng đang thiếu vốn. Trong tháng 9 này hoặc chậm nhất là tháng 10 tới, công tác điều chỉnh vốn cần phải hoàn thành bởi nếu để đến cuối năm mới rà soát và điều chỉnh sẽ không kịp thực hiện. Chưa kể đến việc HÐND tỉnh có thể phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu đầu tư công sau khi rà soát. Ðiều này dẫn đến tỷ lệ giải ngân sau khi điều chỉnh dù có tăng nhưng khối lượng thực hiện các công trình trên thực tế vẫn chậm”, Phó chủ tịch HÐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn cảnh báo.

Văn Gia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Điểm nóng bất động sản Đồng Nai

Với lợi thế liền kề TP.HCM, sự bứt phá mạnh của hạ tầng kết nối, thị trường bất động sản Đồng Nai thời gian qua chứng kiến sự đổ bộ của nhi...