Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

Cao tốc đầu tiên tại miền Trung sẵn sàng thông xe

Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung đã hoàn thành sau 5 năm xây dựng. Đây là dự án trọng điểm cấp quốc gia và được kỳ vọng sẽ đánh thức tiềm năng, thúc đẩy nền kinh tế khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Ông Trần Văn Tám, Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) – chủ đầu tư và cũng là đơn vị quản lý khai thác tuyến cao tốc - cho biết: Dự án cao tốc Quảng Ngãi-Đà Nẵng khởi công ngày 19/5/2013. Đi qua địa phận 3 tỉnh/thành phố: TP. Đà Nẵng (7,9km), tỉnh Quảng Nam (91,2km) và tỉnh Quảng Ngãi (40,1km).

Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 139,204km. Dự án được chia thành 13 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 1.640,82 triệu USD (tương đương 34.516 tỷ đồng); trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 798,56 triệu USD (tương đương 16.799 tỷ đồng), vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 590,39 triệu USD (tương đương 12.419 tỷ đồng); công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình công cộng, rà phá bom mìn, thuế VAT, chi phí quản lý dự án… sử dụng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 5.298 tỷ đồng.

Có thể nói đây là dự án có quy mô lớn nhất của Bộ GTVT ở khu vực Nam Trung Bộ tính đến thời điểm hiện tại.

Công tác giải phóng mặt bằng và thoả thuận với người dân được coi là “điểm thắt” trong quá trình thực hiện dự án khiến dự án liên tục phải lùi tiến độ. VEC đã xử lý việc này thế nào?

Ông Trần Văn Tám: Để phục vụ thi công Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, tổng diện tích đất phải thu hồi 1.180ha, với hơn 18.550 hộ gia đình bị ảnh hưởng; bố trí tái định cư tập trung và tại chỗ cho 1.956 hộ gia đình với việc bố trí 2.797 lô đất; di dời 175 công trình công cộng.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư của Dự án được giao về cho các địa phương làm chủ đầu tư từ tháng 10/2011.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án liên tục gặp vướng mắc trong công tác bố trí nguồn vốn đối ứng của Dự án tại các thời điểm từ 2011-2014. Công tác kiểm đếm đền bù thực hiện chậm so với tiến độ dẫn đến chính sách đền bù của Dự án không đồng nhất về mặt đơn giá đền bù giữa các năm và giữa các địa phương khiến người dân không đồng thuận. Thêm vào đó, việc cập nhật chính sách đền bù theo quy định của Nhà tài trợ và pháp luật của Việt Nam phải trải qua nhiều khâu, bộ đơn giá thay thế cho dự án liên tục phải bổ sung phê duyệt.

Đặc biệt, ở thời điểm năm 2014, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có đến 2 dự án lớn đi qua là dự án mở rộng Quốc lộ 1A và cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi khiến quy mô thu hồi đất lớn, các cơ quan chức năng của địa phương cũng bị “dồn” do cùng lúc phải thực hiện các dự án trên địa bàn...

Tất cả những vấn đề nêu trên là nguyên nhân gây ra sự chậm trễ của công tác giải phóng mặt bằng.

Trước tình hình đó, VEC đã đề xuất với Bộ GTVT và nhận được ý kiến đồng thuận từ Bộ Tài chính cho phép VEC trước mắt sử dụng nguồn vốn thu phí của VEC để ứng trước cho các phương án đền bù giải phóng mặt bằng đã được phê duyệt, tập trung vào các điểm nóng thi công, trong quá trình chờ bố trí vốn đối ứng của Dự án.

Chúng tôi cũng bố trí đầy đủ lực lượng Tư vấn tái định cư của dự án, thường trực làm việc với Nhà tài trợ và các cơ quan địa phương để kịp thời bổ sung các bộ đơn giá thay thế sử dụng cho công tác đền bù. Bên cạnh đó, VEC cũng bố trí tăng cường các cán bộ Ban QLDA nằm tại hiện trường để hỗ trợ cho các cơ quan thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của từng địa phương, đến từng xã, huyện và hộ dân để xử lý các vấn đề liên quan một cách nhanh chóng và thoả đáng nhất cho người dân.

Các đơn vị thi công chậm hoàn trả mặt đường dân sinh gây bức xúc cho người dân, Bộ trưởng GTVT đã yêu cầu VEC xử lý ngay lập tức. Đến nay việc này còn tồn tại không? VEC đã xử lý bồi thường cho 500 hộ dân bị nứt nhà chưa?

Ông Trần Văn Tám: Đối với công tác hoàn trả đường dân sinh như chỉ đạo của Bộ trưởng, với đoạn tuyến hợp phần JICA tài trợ (Km0+000 – Km65+000) thông xe từ tháng 8/2017 đã cơ bản hoàn thành công tác này. Đoạn tuyến Ngân hàng Thế giới tài trợ vừa hoàn tất quá trình sử dụng hệ thống hạ tầng địa phương, đến nay đã hoàn trả 25% các tuyến có nhu cầu đi lại lớn, phần còn lại sẽ hoàn tất trước ngày 31/10.

Đối với 500 hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, chúng tôi đã tiến hành mời và hoàn thành việc chi trả với các hộ dân đồng ý nhận tiền. Hiện còn lại 2/270 hộ tại Quảng Nam và khoảng 116 hộ tại Quảng Ngãi chưa thực hiện chi trả do cơ quan chức năng chưa phê duyệt phương án đền bù và một số ít hộ dân chưa đồng ý mức hỗ trợ. Chúng tôi đang tiếp tục quá trình thương thảo, tháo gỡ đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/9/2018.

Sau nhiều lần gia hạn tiến độ, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã chốt lịch thông xe vào ngày 2/9 tới đây. Dự án đã đảm bảo an toàn, êm thuận trên tất cả các hạng mục chưa? Sau khi thông xe có còn phải bổ sung hay sửa đổi gì nữa không, thưa ông?

Ông Trần Văn Tám: Đến nay, công trình đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá đáp ứng yêu cầu để đưa vào khai thác. Tuy nhiên, sau khi thông xe, chúng tôi vẫn sẽ cùng địa phương rà soát lại các điểm chưa hợp lý như đường gom dân sinh,  hoàn trả đường cho địa phương, hệ thống kết nối giữa cao tốc với các tuyến đường địa phương, đặc biệt là nút giao nối với khu kinh tế trọng điểm của địa phương để báo cáo đề xuất với Bộ GTVT, nhà tài trợ xin bổ sung nhằm bảo đảm an toàn giao thông và nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường trong thời gian nhanh nhất.

Đồng thời, theo quy định đã nêu trong hợp đồng, nhà thầu phải bảo hành công trình 24 tháng, VEC đã thành lập bộ phận quản lý vận hành dự án ngay sau khi thông xe và kiểm tra các tồn tại của công trình thường xuyên, hạn chế tối đa các vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng khai thác tuyến đường. 

Đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo quy định để đảm bảo công tác tổ chức thu phí cho phương tiện lưu thông vào Quảng Ngãi từ 2/9, đảm bảo tính công khai minh, bạch, chống thất thu, và theo phương án "thu phí kín" (tính phí theo số km lưu thông của phương tiện).

Mức thu phí sử dụng cao tốc cho các phương tiện từ 1.500 đồng/km. Các phương tiện đi hết tuyến, mức phí cao nhất cho phương tiện nhóm 5 là 740.000 đồng/xe/lượt và thấp nhất với loại xe nhóm 1 (xe dưới 12 chỗ ngồi) là 180.000 đồng/xe/lượt.

VEC tiếp nhận mọi phản ánh, kiến nghị, thông báo sự cố… xảy ra trên tuyến qua số điện thoại đường dây nóng 19001777.

Phan Trang (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Điểm nóng bất động sản Đồng Nai

Với lợi thế liền kề TP.HCM, sự bứt phá mạnh của hạ tầng kết nối, thị trường bất động sản Đồng Nai thời gian qua chứng kiến sự đổ bộ của nhi...