Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

Di dời Cụm công nghiệp Tân Tiến: Không thể chần chừ

Cụm công nghiệp Tân Tiến nằm giữa nội ô TP.Biên Hòa (phường Tân Hiệp) nên việc di dời ra khỏi thành phố là cần thiết. Bởi để đảm bảo môi trường cho đô thị thì theo quy định, mọi hoạt động sản xuất phải được đưa ra ngoại thành, vào những khu sản xuất tập trung như khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
UBND tỉnh đang đốc thúc các sở, ngành liên quan tập trung hỗ trợ cho các nhà đầu tư tại Cụm công nghiệp Tân Tiến để nhanh chóng di dời.

* Vẫn giữ ổn định sản xuất


Khi chuẩn bị cho việc di dời khỏi Cụm công nghiệp Tân Tiến, cả 5 nhà đầu tư ở đây đều chung những mối băn khoăn như: sẽ di dời về đâu để không gián đoạn sản xuất, nguồn lao động có thể sẽ bị thiếu hụt, thời gian và phương tiện di chuyển, có thể duy trì hợp đồng sản xuất hay không...

Ông Manjula Rathnayake, đại diện Công ty TNHH Epic Designers tại Cụm công nghiệp Tân Tiến cho rằng việc di dời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt là số công nhân bị xáo trộn. Hiện tại, cụm công nghiệp này có hơn 5 ngàn công nhân đang làm việc, phần lớn là công nhân nữ, khi di dời đến một địa điểm xa rất nhiều công nhân ở đây khó có thể đến nơi mới làm việc cùng doanh nghiệp.

Ngoài ra, những vấn đề khác như vừa lo sản xuất vừa phải xây dựng nhà máy cũng khá phức tạp. Ông Rathnayake kiến nghị UBND tỉnh cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. “Chúng tôi mong muốn đầu tư lâu dài tại Đồng Nai nên rất cần các cơ quan của tỉnh giúp đỡ, việc di dời một nhà máy đòi hỏi nhiều yếu tố. Đặc điểm của doanh nghiệp là làm hàng xuất khẩu nên có hợp đồng dài với khách hàng, không thể bỏ ngang” - ông Manjula Rathnayake nêu kiến nghị.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh khẳng định, UBND tỉnh sẽ không “bỏ mặc” doanh nghiệp. Chủ trương của tỉnh vẫn cố gắng thực hiện di dời, nhưng đồng thời vẫn giữ ổn định sản xuất cho doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh cho biết sau khi các sở, ngành làm việc cụ thể với từng doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp lập phương án di dời, căn cứ vào đó UBND tỉnh sẽ có phương án hỗ trợ cụ thể. “Ở đây có cả doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và mức độ phức tạp cũng khác nhau. Tỉnh sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể rồi có quyết định thời gian di dời và mức hỗ trợ. Các doanh nghiệp cũng cần tích cực vì càng kéo dài thì càng khó do quỹ đất các khu công nghiệp sẽ hết” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nói.

* Phải di dời để bảo vệ môi trường

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cũng nhấn mạnh, việc di dời Cụm công nghiệp Tân Tiến tỉnh cũng không muốn làm xáo trộn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhưng vì vấn đề ô nhiễm nên bắt buộc phải thực hiện. “Không riêng gì Cụm công nghiệp Tân Tiến, ngay cả Khu công nghiệp Biên Hòa 1 lớn như vậy nhưng vì vấn đề môi trường cũng phải di dời” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh khẳng định.

Được biết, UBND tỉnh đã có quyết định di dời cụm công nghiệp này từ giữa năm 2016. Theo đó, 5 doanh nghiệp hoạt động tại đây phải thực hiện di dời trước ngày 31-12-2018. Nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai như hiện nay do các cơ quan của tỉnh thực hiện chậm các thủ tục nên doanh nghiệp chưa thể thực hiện được. 

Theo ông Mai Văn Nhơn, Phó ban Quản lý các khu công nghiệp, Cụm công nghiệp Tân Tiến là do lịch sử để lại nên phải xử lý, không thể  giữa nội ô thành phố lại có một cụm công nghiệp sản xuất ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trong quy hoạch của TP.Biên Hòa, khu đất Cụm công nghiệp Tân Tiến là đất ở đô thị, như vậy khi các doanh nghiệp di dời đi thì nơi này sẽ là khu dân cư.
Theo lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa, việc di dời Cụm công nghiệp Tân Tiến là cần thiết, vì bên cạnh môi trường còn vấn đề chỉnh trang đô thị của thành phố, bởi không thể ngay giữa nội ô trên một trục đường chính lại tồn tại một cụm công nghiệp.

Vân Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Điểm nóng bất động sản Đồng Nai

Với lợi thế liền kề TP.HCM, sự bứt phá mạnh của hạ tầng kết nối, thị trường bất động sản Đồng Nai thời gian qua chứng kiến sự đổ bộ của nhi...