Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

Sốt đất đã hạ “nhiệt”

Sau một thời gian dài liên tục tăng “nóng”, khoảng 2 tháng trở lại đây, giá đất trên địa bàn tỉnh đã chững lại. Hiện dù giá đất vẫn ở mức cao, tuy nhiên lượng giao dịch lại không nhiều, điều này khiến nhiều người dự đoán giá đất có thể sẽ giảm dần trong thời gian tới.
Giá đất đã đạt “đỉnh”



Ông Nguyễn Văn Trung, chủ một đại lý ký gửi, buôn bán nhà đất tại khu vực xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu cho hay, sau khoảng nửa năm liên tục tăng “nóng”, hiện giá đất đã có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân, theo ông Trung là do giá đất hiện đã lên tới “đỉnh” và khó có thể tăng thêm trong thời gian tới. “Thực chất, giá đất liên tục tăng trong khoảng nửa năm qua chủ yếu là do các “cò” đất gom mua, thổi giá. Hiện tại, do giá đã được đẩy lên quá cao nên các nhà đầu tư đã dè dặt không còn gom mua nhiều. Trong khi đó, do giá cao nên người mua có nhu cầu thực cũng không vội mua. Đây là những nguyên nhân khiến giá đất chững lại”, ông Trung nhận định.

Theo khảo sát của phóng viên, dù đã “chững” lại nhưng giá đất tại hầu hết các địa phương trong tỉnh hiện đã tăng gấp đôi, gấp ba so với khoảng 1 năm trước. Cụ thể, giá đất tại các phường ở TP. Biên Hòa hiện dao động từ 1 tỷ - 2 tỷ đồng/nền (khoảng 100m2) đối với đất có sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Tại các xã vùng ven TP. Biên Hòa như các xã Bình Hòa, Tân Bình, Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu); Bình Minh, Bắc Sơn (huyện Trảng Bom), giá đất có sổ đỏ cũng xấp xỉ mức 1 tỷ đồng/nền.

Đối với đất nông nghiệp phân lô bán nền, hiện mức giá dao động khoảng 300 - 800 triệu đồng/nền sổ chung (cùng chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) tùy vào khu vực. Giá cao nhất là tại các xã vùng ven TP. Biên Hòa.

Đặc biệt, tại nhiều địa phương vốn được xem là vùng sâu vùng xa như các xã Xuân Đông, Xuân Tây của huyện Cẩm Mỹ, giá đất nông nghiệp cũng đã tăng gấp đôi, gấp ba so với gần hai năm trước. Hiện giá đất tại các xã này dao động từ 700 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha. Tại các địa phương khác như Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, giá đất nông nghiệp dao động từ 1,5 - 3 tỷ đồng/ha, tùy vào vị trí và hệ thống giao thông kết nối.

Do giá đất liên tục được “thổi” lên cao trong thời gian qua nên các giao dịch mua bán đất cũng giảm dần. Bởi, các nhà đầu tư đã “rụt rè” hơn trong việc “ôm đất” vì giá cao sẽ khó bán lại. Ông Thái Tam Sơn, Chủ tịch UBND xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu cho hay, khoảng từ cuối tháng 5 đến nay, tại địa phương hầu như không phát sinh giao dịch mua bán đất thông qua xã. “Nguyên nhân một phần vì giá cao nên không có người mua. Riêng đối với các giao dịch giấy tay thì hiện người dân chủ yếu thông qua các văn phòng luật sư nên địa phương không nắm rõ số lượng”, ông Sơn cho hay.

Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Đồng Nai Lê Thanh Tuấn cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, chuyển nhượng đất đai ở một số địa phương trong tỉnh giảm sâu. Cụ thể, TP. Biên Hòa giảm gần 1.000 hồ sơ, các huyện Xuân Lộc, Định Quán giảm gần 400 hồ sơ so với thời điểm 4 tháng đầu năm.

Chưa vội bán tháo

Theo ông Lê Thanh Tuấn, dù tình hình chuyển nhượng đất đai trong 2 tháng qua có giảm, tuy nhiên nhu cầu mua nhà, đất để ở, sản xuất, kinh doanh vẫn còn cao. Do đó, hiện phần lớn người có nhu cầu đang chờ đợi giá đất giảm dần mới mua.

Theo tìm hiểu, dù giá đất chững lại nhưng các nhà đầu tư đất phân lô, bán nền theo hình thức mua bán giấy tay vẫn chưa có ý định bán tháo mà đang chờ diễn biến thị trường. Đặc biệt, thông tin được giới đầu tư chờ đợi chính là kết quả các cuộc thanh tra đất phân lô bán nền mà tỉnh đang tiến hành. “Giờ ai cũng đang nghe ngóng, ít ai bung bán hay mua vào. Người mua cũng vậy, giờ có thanh tra nên họ cũng rụt rè trong việc mua đất phân lô, bán nền. Tất cả vẫn đang chờ kết quả xem sao đã mới tính tiếp”, anh Lê Văn Thành, một “cò” đất ở khu vực phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa cho hay.

Cũng theo nhận định của anh Thành, hiện thị trường đất đai khá ảm đạm, tuy nhiên sau tháng 8, khi có kết quả các cuộc thanh tra tình hình sẽ thay đổi. “Lúc đó, tình hình mua bán có khả năng sẽ nhộn nhịp hơn”, anh Thành dự đoán.


Lập 3 đoàn thanh tra việc phân lô, bán nền xây dựng trái phép

UBND tỉnh đã thành lập 3 đoàn thanh tra để kiểm tra, chấn chỉnh tình hình và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan tại TP. Biên Hòa, huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu - các địa phương xảy ra việc phân lô, bán nền, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp được cho là phức tạp nhất.

Dự kiến vào tháng 8 tới, sẽ có kết quả thanh tra. Từ đó, các ngành chức năng đưa ra biện pháp để xử lý các vấn đề tồn tại ở 3 địa phương trên. Ngoài ra, đối với các huyện còn lại, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép, nhất là những nơi đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, vùng triển khai các dự án.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, mặc dù từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn, nhằm ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan, phá vỡ quy hoạch. Tuy nhiên tại một số địa phương còn buông lỏng công tác quản lý nhà nước về đất đai, dẫn đến tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra rất phức tạp.

Lê Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Điểm nóng bất động sản Đồng Nai

Với lợi thế liền kề TP.HCM, sự bứt phá mạnh của hạ tầng kết nối, thị trường bất động sản Đồng Nai thời gian qua chứng kiến sự đổ bộ của nhi...