Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

Gian lận chuyển giá trong doanh nghiệp bất động sản: Không thu hút FDI bằng mọi giá

Những năm trở lại đây, bất động sản trở thành một trong “top 10” lĩnh vực thu hút vốn FDI nhiều nhất. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải đánh giá lại khách quan chất lượng và đóng góp thực sự của những doanh nghiệp bất động sản nước ngoài đến nền kinh tế. Bởi thực tế cho thấy, vấn nạn gian lận chuyển giá tại doanh nghiệp FDI đang gióng lên những hồi chuông đáng báo động.
Từ câu chuyện của nhà đầu tư bất động sản Hàn Quốc: Keangnam Vina



Nhắc đến Keangnam Hanoi Landmark không ít người chỉ nghĩ tới biểu tượng đầy tráng lệ khi giữa lòng Thủ đô Hà Nội xuất hiện khu tòa nhà hiện đại với 72 tầng. Khi mới đi vào hoạt động, nơi đây được coi là điểm hội tụ của các dịch vụ hạng sang và đầy sôi động tại Hà Nội. Doanh nghiệp đứng sau biểu tượng thành công này là Công ty TNHH một thành viên Keangnam – Vina, doanh nghiệp 100% vốn của Hàn Quốc. Trước đó, tháng 7/2007, Keangnam Vina ký hợp đồng chìa khóa trao tay với Công ty Keangnam Enterprise – một công ty con thuộc tập đoàn Keangnam Hàn Quốc, làm tổng thầu EPC.

Tuy nhiên, trái ngược với sự hào nhoáng bên ngoài cũng như sự đánh giá cao về tỷ suất lợi nhuận của giới đầu tư từ “biểu tượng 72 tầng”, Keangnam Vina lại liên tục báo lỗ.

Tháng 9/2012, Cục Thuế TP. Hà Nội đã tiến hành thanh tra chuyển giá tại Keangnam Vina. Theo số liệu của cơ quan thuế, tính đến thời điểm năm 2011 khi tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark bắt đầu vận hành, doanh thu của công ty đạt trên 5.200 tỷ đồng nhưng công ty lại khai báo lỗ lên đến 140 tỷ đồng. Từ thực trạng này, cơ quan thuế Việt Nam đã vào cuộc thanh tra và xác định hành vi chuyển giá của Keangnam Vina.

Theo đó, Keangnam Vina trả lãi suất tiền vay tới 12%/năm (lãi suất của ngân hàng Việt Nam từ 5 - 7%/năm) cho khoản vay 400 triệu USD từ ngân hàng Kookmin bank (Hàn Quốc), thành viên trong cùng tập đoàn; trả phí dàn xếp vốn tới 30 triệu USD cho nhà thầu chính, Công ty Keangnam Enterprises.Ltd, cùng với nhiều khoản chi phí khác lên tới vài triệu USD…

Sau thanh tra, cơ quan thuế đã yêu cầu loại trừ tất cả những khoản chi phí đầu vào bất hợp lý. Rất nhiều khoản giá vốn xây dựng bị dàn xếp bất hợp lý đã bị buộc phải điều chỉnh lại.

Điều đáng nói là Keangnam Vina đang nhận được nhiều ưu đãi từ Việt Nam dành cho doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài mà theo đó công ty này chỉ phải nộp mức thuế suất thấp hơn nhiều so với thuế thu nhập doanh nghiệp khác. Câu chuyện của Keangnam Vina đã bắt đầu đặt ra nhiều nghi vấn cần phải thanh tra làm rõ tại các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam.

Thống kê của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, năm 2017 có tới gần 40% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ. Trước đó, nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng trên giấy tờ lại báo lỗ, Cục thuế đã tiến hành tập trung thanh tra doanh nghiệp FDI mà lĩnh vực bất động sản, xây dựng thuộc danh sách 5 nhóm cần chú trọng.

Doanh nghiệp bất động sản: Gian lận chuyển giá thế nào?

Đánh giá từ giới phân tích bất động sản cho hay, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào bất động sản Việt Nam theo ba phương thức chủ yếu là góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp và cho vay vốn đầu tư. Trong đó, mô hình liên kết với doanh nghiệp trong nước là phương thức hợp tác “yêu thích” của các doanh nghiệp FDI nước ngoài.

Phân tích về hành vi gian lận chuyển giá trong lĩnh vực bất động sản, Ths. Vũ Khánh Toàn, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán nhà nước Khu vực I, cho rằng: “Với tư cách là chủ đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản nước ngoài được nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, xây dựng nhà để bán và cho thuê. Khi triển khai thực hiện dự án, các doanh nghiệp này giao thầu xây dựng toàn bộ dự án cho công ty liên kết trong tập đoàn, giá mua vào (giá vốn xây dựng) từ bên liên kết là công ty mẹ.

Trong các năm vừa qua, hoạt động kinh doanh bất động sản là một ngành kinh tế phát triển và có lợi nhuận tương đối cao. Nếu chủ đầu tư hạch toán đầy đủ về doanh thu, chi phí dự án thì sẽ phát sinh khoản thuế TNDN phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản lớn.

Và để tối đã hóa lợi ích của tập đoàn khi thực hiện nghĩa vụ thuế, công ty mẹ tại nước ngoài thông thường sẽ thành lập công ty con với tư cách là tổng thầu xây dựng để ký hợp đồng xây dựng bao thầu toàn bộ dự án cho chủ đầu tư theo hình thức chìa khóa trao tay với mục đích là tạo ra giao dịch liên kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng, giá giao thầu xây dựng do 2 bên xác định cao hơn giá thị trường, thực hiện chuyển lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bất động sản của chủ đầu tư sang hoạt động xây dựng của nhà thầu, mục đích để giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi đó hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài thì đăng ký, nộp thuế nhà thầu theo phương pháp hỗn hợp, thuế GTGT khấu trừ, thuế TNDN ấn định theo tỷ lệ/doanh thu bán hàng theo quy định về thuế nhà thầu”.

Cũng theo Ths. Vũ Khánh Toàn, một trong những hình thức dễ dàng gian lận trong chuyển giá được các công ty đầu tư nước ngoài đang thực hiện, đó là liên doanh với một công ty nội địa, hơn là vào đầu tư thẳng. Nguyên nhân là các công ty đa quốc gia này muốn sử dụng hệ thống phân phối và thị phần có sẵn của các công ty nội địa.

Sau một thời gian liên doanh thì các công ty đa quốc gia này sẽ dùng các thủ thuật khác nhau, trong đó có thủ thuật chuyển giá để đẩy công ty nội địa ra và chuyển công ty liên doanh thành công ty 100% vốn nước ngoài. Các thủ thuật này chủ yếu là làm nâng lên chi phí hoạt động của công ty con, công ty con sẽ báo lỗ liên tục trong nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động.

“Không thu hút FDI bằng mọi giá”

Đánh giá chung về thiệt hại do hành vi gian lận trong chuyển giá gây ra, PGS.TS. Phan Duy Minh, Nguyên Phó giám đốc trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, có 3 hậu quả lớn xảy ra từ hệ lụy trốn thuế: Thứ nhất là gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước quốc gia sở tại; Thứ hai là tạo ra sự bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh, bóp méo thị trường; Thứ ba là làm tổn hại nghiêm trọng lợi ích quốc gia.

Để giải quyết vấn nạn gian lận trong chuyển giá tại các doanh nghiệp FDI, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam khẳng định: “Không thu hút FDI bằng mọi giá”.

“Bên cạnh việc đặt ra các tiêu chuẩn cao trong thu hút đầu tư, ví dụ như tiêu chuẩn về quy mô dự án, trình độ sản xuất, trình độ công nghệ, trình độ sử dụng lao động, các chuẩn mực về sản phẩm, các tiêu chuẩn về môi trường… Việt Nam cũng cần đặt ra các điều kiện sòng phẳng với doanh nghiệp FDI liên quan đến các nghĩa vụ thuế khi hoạt động ở Việt Nam.

Thay vì o bế quá mức, nhượng bộ và dành quá nhiều ưu đãi thuế, đã đến lúc Việt Nam cần phải khẳng định lại vị thế của mình, không chấp nhận thu hút FDI bằng mọi giá. Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam nhờ tận dụng các lợi thế kinh doanh ở Việt Nam để có được lợi nhuận thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm nộp thuế cho Việt Nam. Cần xem đây là một nguyên tắc mới trong thu hút đầu tư ở Việt Nam cả ở tầm quốc gia lẫn địa phương”, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về chuyển giá, không cấp ưu đãi thuế đại trà, khuyến khích minh bạch, trách nhiệm công vụ và chế tài hữu hiệu…

Nhật Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Điểm nóng bất động sản Đồng Nai

Với lợi thế liền kề TP.HCM, sự bứt phá mạnh của hạ tầng kết nối, thị trường bất động sản Đồng Nai thời gian qua chứng kiến sự đổ bộ của nhi...